Dự án công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội, nằm trên địa bàn phường Hòa, do Công ty TNHH VNT làm chủ đầu tư, có diện tích 11,24 ha với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 1.600 tỉ đồng.
Các dự án được nêu tại cuộc họp bao gồm: Dự án Công viên hồ điều hòa tại Khu đô thị Tây Nam Hà Nội; Trung tâm thể dục thể thao tại quận Long Biên (cũ); Trạm cấp phát nhiên liệu Vạn Phúc (phường Hà Đông); Khu nhà ở để bán tại các lô C1B, C2A – Khu đô thị Đại học Vân Canh, huyện Hoài Đức (cũ).
Đại diện các chủ đầu tư đều thẳng thắn báo cáo tình hình, nêu rõ các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, tài chính...
Chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, đặc biệt là Sở Tài chính làm đầu mối, khẩn trương rà soát từng dự án, làm rõ từng điểm nghẽn cụ thể. Thời hạn hoàn thành rà soát là trước ngày 31/7.
Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 và các năm tiếp theo. Một trong những trọng tâm đáng chú ý là yêu cầu Sở Tài chính tháo gỡ vướng mắc cho 109 dự án đầu tư công đang “nằm im bất động”.
Theo chỉ đạo của Thành phố, các dự án tồn đọng, thi công dang dở nhiều năm sẽ được xử lý. Việc xử lý phải xong trong năm 2025, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 112/CĐ-TTg. Đặc biệt, dự án BT dở dang sẽ được rà soát thủ tục, đánh giá hiệu quả và chốt phương án kết thúc sớm, không để kéo dài lãng phí thêm.
Trong lĩnh vực sử dụng đất, Thành phố giao Sở TN&MT phối hợp Sở Tài chính và các quận, huyện tổng rà soát hơn 700 dự án chậm tiến độ, trong đó có 117 dự án mới được cấp huyện đề xuất đưa vào diện cần xử lý. Các dự án sẽ được phân loại theo tiến độ, tính chất vướng mắc và được đề xuất phương án xử lý cụ thể, tránh thất thoát tài nguyên đất.
Tâm An